Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài luật biển, Việt Nam sẽ thắng

Kiện Trung Quốc về yêu sách đường lưỡi bò, Việt Nam có khả năng thắng kiện cao nhất.
Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trút bỏ bộ mặt "trỗi dậy hòa bình", đe dọa an ninh trong khu vực và an toàn hàng hải trên Biển Đông. Việt Nam đã và đang cố gắng đấu tranh hòa bình với mức độ cao nhất nhưng với âm mưu “độc chiếm Biển Đông” - kiểm soát con đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông, Trung Quốc sẽ còn đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào nhiều nơi khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là một bước để hiện thực hóa yêu sách "đường lưỡi bò" trên thực tế.
ong-Lap-JPG-9559-1401325388.jpg
TS Hoàng Trọng Lập, nguyên Phó ban Biên giới Chính phủ
Trung Quốc đổ lỗi cho Việt Nam cản trở tác nghiệp của giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo điều 121 Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982: đảo là một vùng đất khi thủy triều lên cao nhất thì vẫn nổi trên mặt nước; Đảo có lãnh hải 12 hải lý; Đối với đảo thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng có thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.
Đảo Tri Tôn là một đảo cát nhỏ không có đời sống kinh tế riêng, không thích hợp cho con người đến ở nên chỉ có thể có lãnh hải không quá 12 hải lý. Vì vậy, Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm bên ngoài lãnh hải của đảo Tri Tôn, khu vực đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Xét tất cả đảo của quần đảo Hoàng Sa cũng vậy, tiền lệ trong các phán quyết của Tòa án quốc tế về các đảo nhỏ xa bờ nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của đất liền trong phân định biển cũng chỉ cho phép các đảo có lãnh hải 12 hải lý ở phía đối diện với đất liền. Ở đây, cần vạch trần quan điểm mập mờ hai mặt Trung Quốc đưa ra - muốn đòi đảo Tri Tôn có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ra tận khu vực giàn khoan Hải Dương 981 tác nghiệp. 
Trong cuộc đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đòi đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam (một đảo nằm giữa Vịnh Bắc Bộ có đời sống kinh tế riêng thích hợp cho 500 dân ở, có diện tích gấp mấy lần các đảo của quần đảo Hoàng Sa) chỉ có hiệu lực 25 % với vùng biển rộng 15 hải lý. Để đạt mục đích này, Trung Quốc cũng không tính hiệu lực các đảo nhỏ khác của Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, trừ đảo Hải Nam. Quan điểm Trung Quốc đưa ra với Nhật Bản trong tranh chấp biển cũng chỉ cho đảo Okino Tori Shima của Nhật có lãnh hải 12 hải lý. Rõ ràng với luật pháp và thực tiễn quốc tế đã được Trung Quốc áp dụng này, không thể đòi các đảo trên quần đảo Hoàng Sa có vùng biển rộng hơn 12 hải lý. Đó là chưa kể Trung Quốc vạch đường cơ sở tới tận đảo Tri Tôn hoàn toàn sai trái với Công ước.
Các giải pháp hòa bình
Các biện pháp hòa bình có thể sử dụng để giải quyết vấn đề là: đàm phán, trọng tài, giải quyết bằng tòa án, dựa vào các tổ chức hay Hiệp ước khu vực… Điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ hòa bình, không muốn có xung đột với Trung Quốc.
Hai bên có thể đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng. Nhưng đàm phán sẽ không giải quyết được vấn đề nếu Trung Quốc không rút giàn khoan.
Việt Nam có thể đưa vấn đề ra Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng Trung Quốc là một nước thành viên của Hội đồng bảo an có quyền phủ quyết (veto) để ngăn cản ngay từ thủ tục ban đầu về mọi sáng kiến của Hội đồng bảo an trong lĩnh vực này dù Hiến chương đã trù định tại Điều 27 khoản 3 về sự không tham dự bỏ phiếu của các thành viên có liên quan tới cuộc tranh chấp.
Một khả năng có thể cân nhắc sử dụng là đưa vụ việc ra Liên Hợp Quốc vì có thể cho phép các nước có liên quan và các nước lớn khác tham dự. Hơn nữa, trường hợp Liên Hợp Quốc không giải quyết được, hoặc nếu có vấn đề trong khi giải quyết, Liên Hợp Quốc vẫn có quyền đưa ra Tòa án công lý quốc tế yêu cầu cho ý kiến mà không cần sự đồng ý của bất cứ quốc gia nào. Thủ tục "cho ý kiến" của Tòa án công lý quốc tế không có hiệu lực như một bản án thật sự, nhưng tác động mạnh mẽ trong dư luận quốc tế. Đã có tiền lệ như vụ tranh chấp Tây Sahara đã được Tòa cho ý kiến theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc.
Khả năng khả thi nhất là theo đuổi giải pháp pháp lý. Chúng ta đã từng cân nhắc tới giải pháp này nhưng vì tin vào tình hữu nghị anh em, 16 chữ vàng giữa hai nước, các Tuyên bố chung cấp cao giữa hai bên, tin Trung Quốc nghiêm chỉnh thực hiện DOC và tiến tới COC và Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm...nên chưa muốn đưa ra tòa. Nhưng Trung Quốc ngày càng ngang ngược ở biển Đông, nên để ngăn chặn sự việc xấu đi, nghiêm trọng hơn, Việt Nam có thể đưa Trung Quốc ra tòa. Các quốc gia phát triển coi đây là giải pháp văn minh để giải quyết tranh chấp.
Đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế
Trung Quốc biện minh rằng giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trên vùng biển của họ. Đây là lập luận không có cơ sở vì hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do đó Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế về tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Việc đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế được tiến hành trên cơ sở tự nguyện giữa các quốc gia đã tuyên bố tham gia điều khoản chấp nhận thẩm quyền bắt buộc của Tòa quy định trong điều 36 khoản 2 Quy chế Tòa án. Nhưng cả Trung quốc và Việt Nam đều chưa tuyên bố tham gia vào điều khoản đó. Như vậy, không thể đơn phương yêu cầu Tòa xét xử. Nếu muốn tòa xét xử phải được sự đồng ý của các bên liên quan trong khi rõ ràng Trung Quốc hiện nay chưa muốn.
Lập trường công khai của Trung Quốc là bác bỏ cách giải quyết đa phương, chống sự can thiệp của bên thứ ba vào tranh chấp. Tuy vậy, đưa vấn đề ra Tòa án Công lý Quốc tế, Việt Nam có hai mặt lợi. Nếu Trung Quốc đồng ý cùng đưa vấn đề ra Tòa án Công lý Quốc tế thì như nhiều học giả đã nhận xét,  Việt Nam có khả năng thắng vì cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo mạnh hơn Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc không đồng ý đưa vấn đề ra Tòa án Công lý Quốc tế, điều đó cũng bất lợi cho Trung Quốc về mặt dư luận. Nhưng để đưa tranh chấp hai quần đảo ra Tòa án Công lý Quốc tế cần phải có thời gian và sự chuẩn bị chu đáo.
Kiện ra Tòa trọng tài về luật biển
Việt Nam cũng có thể kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài về Luật biển (được thành lập theo thủ tục của Công ước LHQ về luật biển 1982 qui định trong Phụ lục VII).
Việt Nam phê chuẩn tham gia Công ước LHQ về Luật biển ngày 23/6/1994. Trung Quốc phê chuẩn Công ước sau Việt Nam 2 năm. Vì vậy về nguyên tắc Việt Nam và Trung Quốc đều phải chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc được qui định trong phần XV của Công ước, liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Công ước cho phép một quốc gia thành viên đơn phương đưa tranh chấp ra Trọng tài có thẩm quyền (Điều 287 mục 5) và phán quyết của Trọng tài là tối hậu bắt buộc các bên phải tuân theo (Điều 296). Với chính sách hiện nay, Trung Quốc chắc chắc không chấp nhận xét xử ở tòa án nào, vì vậy Việt Nam có thể sử dụng cơ chế này để kiện Trung Quốc. Philippines cũng phải sử dụng cơ chế này để đơn phương kiện Trung Quốc. Cần lưu ý, Tòa trọng tài về Luật biển không có thẩm quyền giải quyết những vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên các đảo.
Vì vậy, Việt Nam có thể xin ý kiến tư vấn của Tòa về chế độ pháp lý của các đảo, đá, bãi ngầm trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để xem các đảo như Tri Tôn có được vùng biển rộng bao nhiêu hoặc việc áp dụng Điều 121 khoản 3 của Công ước luật biển vào các đảo trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Thay vì kiện một vụ việc cụ thể về giải thích khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, chúng ta có thể kiện yêu sách tham lam bành trướng là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể đề nghị Tòa trọng tài về Luật biển tuyên bố yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là bất hợp pháp. Chúng ta cần nhằm vào điểm yếu nhất về yêu sách trên biển, yêu sách không có cơ sở pháp lý nhất của Trung Quốc để kiện ra Tòa trọng tài về Luật biển. Nếu đã kiện chúng ta phải chọn khả năng thắng kiện cao nhất
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét